Chế độ dinh dưỡng cần biết khi điều trị bệnh tăng huyết áp

Chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ít natri, giàu kali, giàu chất xơ, giảm lượng acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo. Khuyến khích áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp (DASH diet) là chế độ ăn khuyến khích nhiều rau xanh, quả chín, các chế phẩm bơ sữa ít béo.

A. Chế độ ăn ít muối:

Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm 5g muối tức là một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.

 

Theo một số nghiên cứu, với chế độ ăn hạn chế muối như trên, chúng ta có thể giảm được huyết áp tâm thu 2-4 mmHg. Trong khi đó, một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt Nam chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 – 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5g. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3 – 4 lần so với khuyến cáo.

 

Vì vậy, đây để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp), ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, thì cũng cần hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, tránh dùng thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn. (Cách đọc hàm lượng muối trên sản phẩm, muối ăn có tên hóa học là sodium chloride, các sản phẩm ghi muối thấp (low sodium), hoặc không muối (free sodium) hoặc các sản phẩm có hàm lượng muối < 150mg là dùng được.)

B. Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh, các thực phẩm ít béo:

– Nhu cầu năng lượng: 30 – 35 Kcal/kg cân nặng/ngày.

 

– Protein: 15 -< 20% tổng năng lượng.

 

– Lipid: 20 – 25% tổng năng lượng.

 

Trong đó thấp acid béo bão hòa, acid béo không no nhiều nối đôi chiếm khoảng 7 - <10% tổng năng lượng. Acid béo không no một nối đôi chiếm < 15% tổng năng lượng. Chất béo đồng phân trans chiếm < 1% tổng năng lượng.

 

– Nên cung cấp lượng EPA và DHA khoảng 250 – 500mg/ngày. Cholesterol < 200mg/ngày.

 

– Glucid: 55-60% tổng năng lượng.

 

– Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal.

 

– Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là acid folic, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D.

 

– Quản lý cân nặng bệnh nhân phù hợp, nếu bệnh nhân béo phì nên giảm cân.

 

Vì vậy:

 

– Nên ăn nhiều cá, hải sản giảm các loại thịt đỏ như: thịt lợn, thịt bò; ăn giảm mỡ động vật và lòng đỏ trứng vì chúng có hàm lượng mỡ bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Hàng ngày nên ăn khoảng 55 – 85g các chế phẩm từ sữa như phomat, sữa chua…

 

– Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân. Acid béo omega-3 trong cá và các loại hạt này có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông.

 

– Khuyến khích ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ: gạo lứt, ăn nhiều rau xanh, quả chín. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.

 

Ngoài chất xơ và những vi chất khác, ăn nhiều rau quả còn giúp bảo đảm chế độ ăn có nhiều kali và ít natri là yếu tố vô cùng quan trọng giúp ổn định huyết áp. Nhiều loại củ quả như: khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành có lượng kali rất cao. Theo các nghiên cứu, nếu tuân thủ chế độ ăn trên chúng ta có thể giảm được huyết áp tâm thu 8-14mmHg

C. Bỏ các thói quen xấu có hại:

– Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc giúp cải thiện huyết áp, giảm biến cố tim mạch, đột quỵ.

 

– Hạn chế lượng rượu uống. Lượng rượu có thể uống theo khuyến cáo mỗi ngày: 720ml bia, 300ml rượu vang, 60ml rượu mạnh, lượng rượu này giảm phân nửa ở phụ nữ và người nhẹ cân.

 

Người bị tăng huyết áp (cao huyết áp) cần phải ăn nhạt, không quá 5-6g muối ăn/ngày. Cần hạn chế ăn các thức ăn chế biến sẵn, hạn chế chất béo, đồ ngọt. Không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Tăng cường ăn rau quả xanh, trái cây. Nếu người bệnh có tình trạng thừa cân, béo phì thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calorie, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý